Archive for the ‘trường học’ Category

Ngày xưa đọc truyện cổ tích, cứ mơ được đến Liên Xô để ngắm quả táo đỏ-vì hồi nhỏ chỉ được đọc truyện Liên xô, cứ tưởng mỗi Liên xô có táo đỏ!

Tác phẩm của con gái

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Read Full Post »

Nhân thấy mọi người trao đổi vui vẻ về chuyên học Văn ..tôi xin chia sẻ chút hiểu biết và cảm nhận qua chuyện học của các con tôi ở trường tiểu học, Trung học cơ sở công lập ở Nhật để tham khảo.Theo tôi nghĩ nếu nói rộng ra về học Văn với nghĩa giáo dục tâm hồn: sự nhạy cảm với thiên nhiên, con người để luôn cảm thông, chia sẻ với con người và trân trọng và yêu quý thiên nhiên, luôn cảm nhận được những điều hay, điều tốt đẹp của cuộc sống thì đó là cả một quá trình dài từ thuở bé với nhiều cách thức, các công cụ hỗ trợ nhưng trong khuôn khổ bài viết này tôi xin kể lại chuyện con tôi học Văn thế nào ở các trường mà các cháu theo học..

Thực ra Văn –với ý nghĩa là các bài đọc, các bài tập làm văn, các bài học về ngữ pháp, tu từ là những bộ phận nằm trong môn Quốc ngữ. Mà muốn viết được, đọc được thì lại phải nắm vững bản chữ cái và biết viết đúng, hiểu và sử dụng từ ngữ chính xác.

Năm học đầu tiên ở tiểu học là năm các cháu được rèn dạy để thuộc chữ cái, số đếm cơ bản, cách viết sao cho đúng. Học sinh không buộc phải viết đẹp, chuẩn như mẫu mà viết đúng đã là đạt yêu cầu. Giai đoạn này các em được sử dụng bút chì ruột khá lớn để giúp các em dễ dàng viết những con chữ đầu tiên. Các bài tập viết sẽ được giáo viên dùng bút đỏ sửa nét, giúp các em biết sử dụng nét sổ, nét thẳng hay cong sao cho đúng và thay bằng điểm số, giáo viên thường vẽ một bông hoa thật to thay cho lời khen ngợi các em đã cố gắng.

Suốt cấp tiểu học và thậm chí khi đã lên cấp THCS, học sinh chỉ được phép dùng bút chì để ghi chép, làm bài tập, bút bi không được phép sử dụng. Học sinh sẽ tự hoàn thiện chữ viết của mình theo thời gian, cấp học và độ tuổi. Chính vì không buộc phải viết “đẹp” như một mẫu chung mà học sinh mỗi người có kiểu dạng chữ viết rất riêng, thể hiện cá tính của mỗi em. Xem chữ viết của một lớp 35 học sinh thì sẽ có 35 kiểu viết khác nhau dù ai cũng tuân thủ nguyên tắc viết mỗi chữ.

Các bài đọc hồi lớp 1 chủ yếu là những câu chuyện ngắn , đơn giản, chữ to để các em dễ đọc, dể hiểu. Càng lên lớp trên thì chữ nhỏ dần và số lượng chữ tăng lên, câu chuyện cũng có tình tiết phức tạp hơn.

Tôi nhớ khi con tôi lên lớp 2, sau khi đã thuộc hết chữ cái đơn giản, số đếm và đã thông thạo cách viết các chữ cái đó rồi thì hàng tuần, với một thời lượng nhất định, học sinh làm bài tập làm văn dưới dạng sơ khai nhất là kể cho giáo viên nghe một câu chuyện ngắn về một điều gì đó thú vị nhất, đáng nhớ nhất hay việc đã làm của ngày đó. Theo tôi hiểu đây là cách giúp học sinh viết đúng chữ cái, con số và hình dung về cách đặt câu, viết một câu sao cho hoàn chỉnh và làm sao để thể hiện ý mình muốn nói. Dạng bài tập này được mặc định với tiêu đề” Anone”- trong tiếng Việt có thể hiểu đơn giản là” Em có chuyện này thưa cô, thầy!”. Ví dụ bé sẽ kể là” Thưa thầy, hôm qua em chơi với bạn ở công viên. Chúng em chơi trò trốn tìm. Chúng em rất vui ạ”..Giáo viên xem, chỉnh sửa cách viết chữ, cách đặt câu và thường sẽ “phê” như sự lắng nghe:” Ôi vui quá nhỉ” hoặc “ Thế rồi sau đó thì sao?”..vừa hưởng ứng câu chuyện học sinh kể và nếu cần đặt ra những câu hỏi mang tính gợi mở để học sinh có thể viết tiếp.

Từ lớp 3 đến lớp 5 thì ở trường các con tôi duy trì việc viết nhật ký mở của mỗi học sinh và giáo viên chủ nhiệm. Một số ngày trong tuần nhất định, các cháu viết điều gì đó thú vị, đáng nhớ hay điều muốn nói với giáo viên vào Nhật ký, giáo viên xem , chỉnh lỗi ngữ pháp, chính tả , nếu có, nhưng chủ yếu chia sẻ cảm nghĩ một cách tế nhị ( cũng tương tự như đã làm ở lớp hai với việc kể chuyện cho giáo viên nghe) nhằm khuyến khích học sinh quan sát, cảm nhận và chia sẻ. Giáo viên biểu cảm nhẹ nhàng và có những gợi ý rất tinh tế để thúc đẩy học sinh viết. Những dòng nhật ký có thể có hôm thì dài mấy trang , có hôm thì ngắn , ngắn đến độ như con tôi nhiều hôm chỉ viết:” Hôm nay tôi không có gì đặc biệt cả”, nhưng giáo viên vẫn vui vẻ phê:” À vậy hả,thư thái vậy cũng hay!”…hoặc nếu là học sinh viết cãi nhau với bạn thì giáo viên góp ý:” Ừ bạn của nhau cũng có khi cãi cọ thân ái vậy đấy để hiểu nhau hơn mà..” Phải nói là giáo viên vừa đống vai người bạn tâm tình nhưng đồng thời là người có những gợi mở nhẹ nhàng để cho học sinh suy nghĩ về một tình huống trong đời sống và cũng để học cách biểu đạt tốt hơn. Nhật ký mở không những là nơi để học sinh có thể trao đổi với giáo viên những “nỗi niềm”, nhằm tạo ra ngôi trường thân thiện, học sinh được hiểu và thông cảm mà còn góp phần cho học sinh quan sát và cảm nhận tốt hơn và như vậy tôi nghĩ cũng rất tốt cho việc làm các bài văn, bài luận..cũng như cách nói lên những suy nghĩ của mình.

Với những bài đọc dài, nhiều tình tiết và nhân vật, giáo viên còn có thể phân vai, trường đoạn để các nhóm học sinh thay nhau đọc và thể hiện cảm xúc của nhân vật để học sinh hiểu sâu hơn những ý nghĩa của bài đọc và khám phá thế giới nội tâm của con người.

Do quy định ở trường, mỗi học kỳ phụ huynh tham dự giờ học của con em mình hai lần, vào đầu và cuối kỳ, cho nên tôi có dịp được “xem” một số giờ dạy Quốc ngữ của các cháu.

Ví dụ để cho học sinh hiểu nghĩa của từ và sử dụng đúng, có bài học hồi lớp 6 của lớp con gái tôi. Hôm đó giáo viên đã chuẩn bị một số “thẻ” trên đó có ghi sẵn một số từ liên quan đến Quốc hội. Vào giờ học, học sinh tiếp tục cho ý kiến về các từ liên quan đến Quốc hội và hoạt động của Quốc hội và đặt câu. Ví dụ “nghị sỹ”, “tranh biện”, “ thảo luận”, “ thông qua các bộ luật”,”bầu cử …”. Không những học sinh cần có vốn từ mà còn phải hiểu nghĩa để sử dụng cho đúng. Tiết họ trôi qua thú vị vì những” phát kiến thú vị”. Dù học sinh chọn ra sai từ hay dùng không đúng thì giáo viên vẫn trân trọng ý kiến của học sinh nhưng sẽ gợi ý cho học sinh từ đó dùng trong trường hợp nào.

Có lần tôi đi dự giờ của con trai, hồi đó cháu học lớp 4. Hôm đó cô giáo có bài đọc về mùa xuân. Cô mang từ nhà một số ngọn cây đã ra mầm xanh khi mùa xuân sang. Các em đọc bài, cô giáo liệt kê những điều đặc sắc của mùa xuân dưới dạng những tính từ và danh từ chủ yếu qua việc hỏi ý kiến từ học sinh về cảm nhận của các em khi mùa xuân về. Sau đó cô giáo đọc bài về những nụ cây trở mình đón xuân sang sau những ngày giá lạnh. Học sinh chuyền tay nhau những mầm cây như đang hé mắt..bằng trực quan: mắt nhìn, tay chạm khẽ để cảm nhận và có thể nói về cảm nhận, suy nghĩ của mình…

Theo tôi nghĩ những bài học như vậy thật thú vị, thực sự đưa đến cho những người bé nhỏ những cảm nhận sinh động và hiểu biết thực tế về thế giới xung quanh.

Những bài tập làm văn thường không nhiều nhưng mỗi bài viết có thể nói là một dịp học sinh học thêm rất nhiều về cách viết đúng chữ, cách dùng từ chính xác và cách thể hiện điều muốn viết một cách súc tích nhất, dễ làm người đọc hiểu được ý mình nhất.

Có thể là bài viết của học sinh tự tưởng tượng sau một bài đọc, một câu chuyện. Học sinh tự viết nên câu chuyện từ trí tưởng tượng cũng như cảm nhận của mình sau bài đọc, câu chuyện đó. Hoặc là bài luận về một suy nghĩ nào đó của mình đối với một hiện tượng, một điều ấn tượng với cá nhân học sinh. Học sinh sẽ viết , giáo viên xem và chữa lỗi chính tả, lỗi đặt câu rồi đưa ra những nhận xét, những câu hỏi gợi mở để cho học sinh biết cách chỉnh lại cách viết của mình sao cho rõ ý hơn. Nhưng nhìn chung những câu hỏi, nhận xét đó không mang tính áp đặt mà tôn trọng điều học sinh muốn nói, giáo viên chỉ là giúp cho học sinh diễn đạt rõ hơn mà thôi.

Để dễ hình dung cách thức các cháu viết văn, làm bài luận thế nào, xin mời mọi người xem qua một số ví dụ của chính con tôi qua các năm học:

Đây là một bài viết về các bạn của cháu hồi còn học lớp 4:” Tôi có 2 người bạn thân.Người thứ nhất tốt bụng, đáng tin cậy. Người thứ 2 thì hơi nhõng nhẽo nhưng mà rất thú vị khi chơi cùng. Tôi và 2 người bạn này thường tụ tập chơi cùng nhau. Tôi cực kỳ vui khi chơi với 2 bạn này. Kể cả có chán chút nào chăng nữa thì cũng nhanh chóng bay biến đi.  Bởi vậy 2 người đó là bạn thân của tôi. Tôi chơi với các bạn thì hầu như chẳng có vấn đề gì cả, nhưng 2 người này là nhất.

Gần đây tôi và 2 bạn đó chơi các môn thể thao ví dụ như là ten nít và bóng chuyền. Ở trường thì thỉnh thoảng tôi cũng chơi bóng chuyền với các bạn khác.Có khi bạn khác rủ:” chơi bóng chuyền với bọn tớ đi”, tôi từ chối:” tớ đang bận lắm , không chơi cùng được đâu!”, nhưng kì thực là 3 chúng tôi chơi với nhau vì tôi nghĩ:” với bóng chuyền thì chơi mấy người cũng cứ vui!”.

Ngoài bạn thân ra thì tôi cũng có những người bạn tốt khác. Với các bạn đó thì vào giờ ra chơi ở trường chúng tôi nói đủ thứ chuyện, hoặc là cùng nhau chơi tennis ở Công viên Trung tâm. Chúng tôi hợp nhau về ý nghĩ và cũng hào phóng trao đổi đồ chơi.

Còn đây là bài viết về gia đình thế này hồi lớp 5:” Tôi có một người chị gái thường hay giúp đỡ tôi khi tôi có khó khăn.Dù chúng tôi cũng hay cãi nhau lắm nhưng khi tôi chán nản hay buồn rầu về nhà thì chị tôi rán trứng hay làm cơm nắm cho tôi ăn. Nhờ vậy mà tôi vui lên.

Ngoài ra thì tôi còn có bố làm thuyền trưởng. Bố rất là mạnh mẽ và kiêu hãnh. Mẹ tôi hiền lành và thường nấu món ăn ngon cho tôi.

Tôi hạnh phúc vì có một gia đình tốt đẹp*

Còn hồi lớp 1 THCS thì có bài viết về cái tên của cháu, bài viết rất đơn giản nhưng đủ ý:” Tôi đã tìm hiểu thêm về cái tên của mình. Bố mẹ tôi nói rằng họ phải chọn cái tên nào đó để các ông bà tôi bên Việt nam cũng dễ gọi. Bố tôi chọn tên Kan vì ý nghĩa của nó là người đàn ông đích thực. Ngoài ra khi đọc tên tôi bằng tiếng Anh thì âm vang lên tương tự như Can- có nghĩa là khả năng có thể tự mình thực hiện được mọi thứ. Chính vì thế tôi sẽ rất vui nếu mọi người gọi tôi bằng tên thay cho họ”.

Và đây là một bài luận khá phức tạp hơn chút xíu có tựa đề” Ngoài sức tưởng tượng”vào dịp cuối năm lớp 6:

“ Mình chẳng muốn chuyển trường đâu”-Trái tim tôi đã nặng trĩu bởi ý nghĩ đó. Chuyển trường thật sự là một điều gì đó thật ngoài sức tưởng tượng. Như vậy thì chuyến đi tham quan dã ngoại của trường vào tháng 11 sẽ thế nào đây? Lẽ nào tôi sẽ không được đi thăm chùa Toshogu ở Nikko nữa hay sao? Nhưng làm sao tôi có thể thay đổi được việc này chứ vì đây điều không thể đổi thay mà.Tuy nhiên tôi vẫn cứ phản đối đấy. Tôi đã chống lại chuyện chuyển trường đấy.Tôi không muốn xa bạn bè của tôi, đó là chuyện quan tâm số một của tôi.

Nhưng mà như tôi đã nói đấy,có nói gì, có nghĩ gì đi nữa thì cũng không thể thay đổi được tình hình.

Thực tế thì chuyện lo lắng của tôi chẳng có ý nghĩa gì vì ở đây các bạn ai cũng cư xử với tôi thật dễ chịu. Tôi có những người bạn cùng sở thích chơi bóng rổ chơi cùng này, có bạn giảng giải cho tôi những từ tiếng Anh tôi không hiểu này, thế là tôi vui ơi là vui. Ngày ngày tôi mong đợi lúc đến trường, không những vậy tôi còn vào câu lạc bộ Judo là thứ mà cho đến giờ tôi chưa hề chơi tẹo nào cả. Có cả câu lạc bộ bóng rổ, nhưng câu lạc bộ Judo ít thành viên tham gia quá thế là tôi bèn đăng ký. Không ngờ tham gia câu lạc bộ này lại chính là một niềm vui mới mẻ thật đấy. Vui đến thế mà ít người tham gia thì quả thật là kỳ lạ.

Từ đó tôi đã thấy rõ một điều thực ra chuyển trường lại cực kỳ thú vị.Tôi có thể nhìn thấy những phong cảnh và có những trải nghiệm mà ở Nhật thì không có được. Nói về phong cảnh mà ở Nhật không có thì ví dãy mỏm núi Seven Sisters.Ở đó nhân viên các cửa hàng rất là nhiệt tình. Kết thân với người Anh chẳng hạn là trải nghiệm cực kỳ quan trọng.

Tôi đã rất ngán ngẩm với chuyện chuyển trường, nhưng giờ thì tôi không hề nghĩ vậy chút nào nữa.

Vậy đấy , tất cả những điều xảy ra đều thật” ngoài sức tưởng tượng”.

Như vậy, bạn đọc có thể hình dung, học sinh chỉ viết điều các cháu nghĩ, không buộc phải theo khuôn mẫu, ý tưởng bắt buộc và ý nghĩ,cảm xúc của các cháu được tôn trọng. Giáo viên chỉ đóng vai trò giúp các cháu hoàn thiện ý tưởng của mình để truyền đạt điều muốn nói tới người đọc dễ dàng hơn mà thôi.

Đọc các bài văn, nếu cho đó là bài văn, của các cháu thường rất độc đáo, thú vị vì không cháu nào viết giống cháu nào dù có thể về cùng chủ đề.Và không có những ý sáo rỗng, xa vời. Và hầu như các bài văn này không chấm điểm mà qua đó học sinh được thực tập về chính tả, ngữ pháp và học cách diễn đạt ý tứ sao cho hay. Những bài viết hay đôi khi được giáo viên cho đọc trước lớp để các bạn khác được thưởng thức.

Theo cảm nhận của tôi, quá trình dạy và học văn nói chung là quá trình giúp học sinh khám phá nội tâm của con người, khám phá những vẻ đẹp thiên nhiên qua cảm xúc của con người để giúp học sinh hiểu con người hơn và sống với thông cảm và chia sẻ hơn. Mặt khác học văn còn là cách để giúp học sinh làm giàu tâm hồn mình, hiểu cảm xúc của chính mình và biết cách diễn đạt ý kiến, cảm xúc của mình thật tốt vì thế cảm xúc thật, trí tưởng tượng độc đáo của cá nhân , sự sáng tạo riêng có của học sinh cần được xem trọng , nói đúng ra cảm xúc cá nhân, trí tưởng tượng độc đáo của mỗi em PHẢI được trân trọng và nâng niu, có như thế thì môn văn nói riêng mới có thể làm đúng được chức năng của mình.

 

 

 

Read Full Post »

Hổm rồi,đọc đâu đó cái note của thầy giáo quê mình làm khảo sát sơ sơ thì có mục là đa số học sinh không nhớ ngày sinh nhật của người thân.

Điều này đúng là cũng phải được học, tức là được người lớn dạy bằng cách này hay cách khác chứ không tự nhiên mà trẻ em biết và hành động  như ta mong muốn được.

Nhất là những em bé sống ở vùng xa, vùng sâu, vùng nông thôn khi mà chính cha mẹ các em cũng chẳng bao giờ nhắc đến ngày sinh nhật. Vì thế cũng có thể xem là đương nhiên chuyện các em không xem chuyện biết ngày sinh nhật của người thân để rồi vui vẻ chúc tụng phải là một nhu cầu, một điều cần làm để tỏ lòng quan tâm tới mọi người . (more…)

Read Full Post »

Tuần này con gái( học sinh lớp 2 của Trung học Cơ sở của hệ thống giáo dục Nhật bản- nếu ở Việt Nam thì là tính là lớp 8 ở Trung học Cơ Sở), mang về đơn đăng ký tham quan, thực tập ở các doanh nghiệp.

Nhà trường hướng dẫn thêm với phụ huynh lắng nghe và nói chuyện” nghiêm túc” với học sinh về chuyện tương lai trọng đại này. Tất nhiên không nhất thiết là phải chọn ngay một ngành từ lúc này, nhưng ít ra là đưa đến cho trẻ ý niệm về tương lai, về một công việc mà trẻ mong muốn được làm.

Nhà trường đưa ra 6 nhóm nghề cho trẻ lựa chọn và phụ huynh tham khảo:

  1. Giáo dục
  2. Nghiên cứu
  3. Du lịch
  4. Bán hàng, dịch vụ
  5. Công việc văn phòng
  6. Lĩnh vực công

(more…)

Read Full Post »

Thấy thiên hạ xôn xao chuyện chấm điểm ở trường tiểu học, từ nay nghe nói là điểm số sẽ không là “nỗi ám ảnh” nữa. Mình đọc bài trên VNEXPRESS có ông nào ở Bộ GD còn nói là vì chuyện điểm quá ám ảnh, đến nỗi có em học sinh còn tự tử vì điểm..

Thực ra theo mình nghĩ, chuyện điểm chỉ là phần nổi, chuyện lớn hơn là thái độ của nhà trường, phụ huynh..với học sinh, chuyện hưởng nghiệp, tính cách , môi trường sống ..vv và vv.

Mình đoán là em học sinh không tự tử vì điểm, em ấy tự tử vì những áp lực người lớn đặt ra cho em,kỳ vọng của họ và em quá tuyệt vọng vì bản thân mình không thể đáp ứng cho họ và em cô độc trong thế gian này.Người ta dựa vào điểm để đánh giá em, và vô tình xô em vào nỗi thất vọng với bản thân, với những người thân yêu nhất.Nếu không cô độc và cùng cực lẽ nào em chọn cái chết? (more…)

Read Full Post »

Chiều, đi đón TC và CS. Đến giờ tan lớp, học sinh lũ lượt ra về. Chợt mình thấy ông thầy giáo già, tóc đã rụng rơi , sợi đã nhuốm bạc, lưng hơi còm rồi, đang đứng cẩn trọng chỉnh lại cổ áo cho một cậu học trò.

Thầy giáo bẻ cổ áo, vuốt cho thẳng thớm . Cậu học trò nhỏ đứng yên để thầy chỉnh cho. Mình đứng xa, cũng chẳng kịp chụp lại hình ảnh. Thầy trông thật ân cần, và làm điều đó với tất cả tấm lòng vì muốn cho học sinh chỉn chu hơn, muốn cho tấm áo cậu mặc trở nên hoàn hảo hơn.

Trông như người cha chăm chút cho con, như người ông chăm chút cho cháu.

Chỉnh xong cho học trò, thầy lại thoăn thoắt bước ra cồng để cùng các giáo viên khác tiễn học sinh ra về sau một ngày học tập, sinh hoạt ở trường.

Mình cảm thấy may mắn đã chứng kiến một hình ảnh đẹp của tình thầy trò,một hành động nhỏ đầy âu yếm và yêu thương!

 

Read Full Post »

Đọc tin trên báo ở Việt Nam thấy tình trạng học sinh trong độ tuổi từ 3-15 phải đi khám và điều trị các chứng bệnh tâm thần liên tục gia tăng và con số không ít, thấy mà giật mình và lo lắng..vì chính mình cũng làm mẹ, cũng có những mong muốn cho con..

Tôi không phải là nhà giáo dục học, cũng chẳng phải là nhà tâm lý hay bác sĩ chuyên khoa, tôi chỉ là một bà mẹ cảm thấy xót xa cho những đứa trẻ đang tuổi “búp trên cành” mà vì những sức ép học tập, những hệ lụy từ ứng xử trong nhà trường, gia đình dẫn đến bệnh trạng của các cháu.

Tôi tự hỏi, liệu có bao nhiêu ông bố, bà mẹ hay ông bà, cô chú đọc được và ngoảnh nhìn những đứa con, đứa cháu trong gia đình? Có nhiều suy nghĩ sẽ làm gì để không phải nhìn thấy con mình một ngày xuất hiện trong phòng khám bệnh viện tâm thần hay không?

Theo tôi nghĩ, tình trạng xảy ra với các bé hiện nay đã quá đủ để “báo động” một thực trạng chẳng mấy tốt lành về sức khỏe học đường – sức khỏe của các học sinh. Chúng ta có thể than phiền về những hệ lụy của chính sách giáo dục to lớn, thậm chí cả việc triển khai hoạt động tư vấn học đường ở mỗi trường học như là một giải pháp, nhưng từ góc nhìn của tôi, để cải thiện vấn đề này, gia đình rất quan trọng. (more…)

Read Full Post »

Older Posts »